Bàn về thương hiệu cá nhân

Thứ sáu - 11/06/2021 03:19
Tôi có gặp một bạn chuyên về làm thương hiệu, bạn này có một nét hay là thể hiện bản sắc riêng của mình rất rõ : có chính kiến riêng, rất cầu toàn, làm việc gì là bằng cả đam mê. Khi được giao việc gì nếu bạn ấy không thích thì bạn ấy sẽ từ chối, yêu cầu làm theo cách của mình và quyết liệt bảo vệ ý kiến của mình. Bất kỳ sản phẩm nào bạn ấy làm đến khi nào chất lượng phải đúng ý bạn thì mới chuyển giao, chấp nhận trễ.

Bất kỳ ai khi nhắc đến bạn ấy đều nhớ đến những đặc điểm này. Bạn ấy luôn nhắc đi nhắc lại về bản thân về những nét riêng đó để khẳng định bản thân với tất cả sự tự hào.

Tuy nhiên, sếp của bạn ấy có đánh giá cao những giá trị của bạn ấy : sản phẩm chất lượng, khó tìm, khác biệt nhưng tất cả những điều ấy chỉ đáp ứng một phần các yêu cầu mà họ mong đợi.

Phần mà bạn ấy thiếu thì lại cũng đóng vai trò quan trọng không thể thiếu. Cái bạn ấy có thì sếp bạn ấy cần nhưng xét về chi phí lương bỏ ra để trả cho bạn ấy và một số đánh đổi khác thì chi phí quá cao. Thế là bạn ấy quyết định nghỉ, sếp đành chấp nhận cho bạn ấy nghỉ việc.

Có một bạn kế toán trưởng rất giỏi trong tư vấn về Thuế. Bạn làm việc cho công ty có nhà đầu tư là người nước ngoài mở công ty tại Việt Nam.

Bạn này thấy báo cáo thuế của công ty có nhiều rủi ro, do không hiểu Luật tại Việt Nam, nên mới tư vấn giải pháp để giảm thiểu rủi ro cho công ty tránh bị xuất toán chi phí và bị phạt. Nhưng công ty không chịu nghe theo, bạn ấy bỏ việc vì cảm thấy mình không đóng góp được giá trị gì cho công ty.

Tôi có hỏi : công ty không đồng ý làm việc đó vì họ thấy tránh rủi ro này họ phải đánh đổi cái khác với rủi ro lớn hơn, em nghĩ sao nếu họ cũng có lý đúng của mình ? Bạn ấy nói: em muốn khi em làm việc ở đâu là em phải mang giá trị gì cho nơi đó, nếu không thì sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu cá nhân của em.

Có một anh khi phỏng vấn vào vị trí CFO đã nói rằng : anh muốn được làm công việc này vì anh đã đầu tư rất nhiều tiền cho việc học và lấy các bằng cấp cũng chỉ vì anh muốn định vị bản thân anh là một CFO chuyên nghiệp. Nhưng thực tế thì anh không có một chút khả năng giải quyết vấn đề mà doanh nghiệp đang cần anh giải quyết cho nên cuộc phỏng vấn đó không thành công.

Có người rất giỏi về tri thức và kinh nghiệm, có công ty sẵn sàng trả lương cao để mời họ về nhưng họ từ chối vì chọn làm trên những thương vụ có giá trị lớn và khách hàng mà họ tiếp cận phải đáp ứng những tiêu chí nhất định. Khi người ta có những thương vụ lớn chắc chắn sẽ nghĩ đến họ.

Có một số người gặp trường hợp trên sẽ đánh giá thấp những con người này, cho rằng họ kiêu ngạo, bảo thủ. Nhưng với tôi đó là những con người biết cách xây dựng thương hiệu cá nhân. Họ sẽ vất vả hơn người khác và đánh đổi nhiều thứ trong quá trình xây dựng hình ảnh, định vị bản thân.

Trong xây dựng thương hiệu cá nhân, các bạn không sai khi chọn một giá trị, hình ảnh nào đó theo đuổi, nhưng chọn thị trường, đối tượng khách hàng cũng rất quan trọng.

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều biến động như hiện nay, nhu cầu về nhân sự có khả năng thích ứng với sự biến đổi tăng cao.

Bản thân khả năng thích ứng với sự biến động của môi trường, hoàn cảnh cũng là một giá trị mà các bạn trẻ nên trang bị cho mình để cơ hội nghề nghiệp được mở rộng. Linh hoạt và ứng biến tốt nhưng vẫn bảo vệ được các giá trị đang theo đuổi, giúp bản thân mở rộng thêm những năng lực lõi.

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây